Trung tâm Bảo trợ và Công tác Xã hội
Thứ sáu, 19/04/2024
Chức năng nhiệm vụ

1. Quá trình thành lập và phát triển:

Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh Ninh Bình, tiền thân từ Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Ninh Bình: Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Ninh Bình được thành lập theo Quyết định số 602/QĐ-UBND ngày 31/12/1992 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình, với chức năng tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em mồ côi, trẻ em có HCĐB, người già cô đơn không nơi nương tựa và người khuyết tật mất 81% sức lao động. Khuôn viên Trung tâm có tổng diện tích là 3.v600 m2. Đối tượng tiếp nhận vào Trung tâm lúc đó phải đủ các điều kiện theo quyết định số 600/QĐ – LĐTBXH của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, nay là Nghị định số 07/2000/NĐ – CP nghị định của Chính phủ. Trong những năm đầu thành lập Trung tâm được giao biên chế là 12 cán bộ. Tổng số đối tượng nuôi dưỡng là 95 người trong đó 30 người già cô đơn; 15 người tàn tật, 50 trẻ em mồ côi. Cơ cấu tổ chức Ban giám đốc có 1 người, chưa có các phòng ban. Trong những năm đầu thành lập cơ sở vật chất còn nghèo nàn, thiết bị thiếu thốn, hỏng  hóc, cán bộ nhân viên không có nhà làm việc, phải làm việc chung với nhà ở của đối tượng.

Tháng 4/1996 UBND tỉnh Ninh Bình và sở Lao động – Thương binh và Xã hội có quyết định số 453/QĐ –UB giao thêm nhiệm vụ tổ chức dạy nghề cho các cháu mồ côi.

Năm 2002 Trung tâm BTXH được UBND tỉnh giao bổ sung nhiệm vụ: chỉ định TTBTXH là cở sở nuôi dưỡng trẻ em cho làm con nuôi người nước ngoài. Năm 2005 Trung tâm được cấp thêm 2900m2 nâng tổng số diện tích đất sử dụng của Trung tâm lên 6500m2. Năm 2006 Trung tâm được UBND tỉnh Ninh Bình cấp kinh phí xây dựng khu nhà III tầng phục vụ đối tượng với tổng diện tích 1.743m2. Năm 2010 được cấp kinh phí xây dựng khu nhà làm việc 2 tầng cho cán bộ. Tháng 11/2014 được Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình bổ sung chức năng nhiệm vụ và đổi tên thành Trung tâm bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh Ninh Bình theo Quyết định số 931/QĐ-UBND, ngày 05 tháng 11 năm 2014.

Đến nay Trung tâm đã phát triển thành một cơ sở khang trang, có 01 khu nhà 2 tầng là chỗ ở sinh hoạt của các cháu mồ côi các cháu có hoàn cảnh đặc biệt; 01 khu nhà 3 tầng là chỗ ở sinh hoạt của người già cô đơn và người khuyết tật; 01 khu nhà 2 tầng là khu làm việc cho cán bộ nhân viên; 01 khu nhà bếp nhà ăn và 01 nhà đa năng dành để chơi thể thao cho đối tượng và tổ chức các buổi giao lưu văn hóa văn nghệ với đầy đủ trang thiết bị, có khuôn viên cây xanh sạch đẹp. Hàng năm Trung tâm quản lý, nuôi dưỡng, chăm sóc 130 đối tượng theo chỉ tiêu của UBND tỉnh giao.

2. Chức năng:

Với chức năng nhiệm vụ là tham mưu giúp giám đốc sở Lao động Thương binh và Xã hội cung cấp các dịch vụ CTXH, tư vấn trợ giúp về luật pháp, chính sách, tâm lý cho các đối tượng có vấn đề xã hội và tiếp nhận, quản lý, nuôi dưỡng các đối tượng được quy định tại Điều 5 Nghị định 68/2008/NĐ-CP cụ thể: trẻ em mồ côi; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; người cao tuổi cô đơn thuộc hộ gia đình nghèo; người khuyết tật nặng không có khả năng lao động; nạn nhân của bạo lực gia đình; nạn nhân bị xâm hại tình dục; nạn nhân bị buôn bán; nạn nhân bị cưỡng bức lao động; những người không thuộc đối tượng BTXH nhưng không có điều kiện sống ở gia đình và có nhu cầu vào sống ở cơ sở BTXH, tự nguyện đóng góp kinh phí (gọi là đối tượng tự nguyện) và các đối tượng xã hội khác được Chủ tịch UBND tỉnh quyết định.

3. Nhiệm vụ, quyền hạn:

  1. Tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng quy định tại Điều 5 Nghị định 68 ( như đã nêu trên).
  2. Tổ chức hoạt động phục hồi chức năng, lao động sản xuất; trợ giúp các đối tượng trong các hoạt động tự quản, văn hóa, thể thao và các hoạt động khác phù hợp với lứa tuổi và sức khỏe của từng nhóm đối tượng.
  3. Chủ trì phối hợp với các đơn vị, tổ chức dạy văn hóa, dạy nghề, giáo dục hướng nghiệp nhằm giúp đối tượng phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ và nhân cách.
  4. Chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương đưa đối tượng đủ điều kiện hoặc tự nguyện xin ra khỏi Trung tâm trở về với gia đình, tái hòa nhập cộng đồng; hỗ trợ tạo điều kiện cho đối tượng ổn định cuộc sống.
  5. Cung cấp dịch vụ về công tác xã hội đối với cá nhân, gia đình có vấn đề xã hội ở cộng đồng.
  6. Tổ chức quản lý, bảo vệ, gìn giữ trật tự an toàn xã hội tại Trung tâm.
  7. Nghiên cứu thực hiện mô hình quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng; phương pháp giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề và tổ chức lao động.
  8. Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của tổ chức chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Trung tâm; quản lý biên chế, thực hiện chế độ tiền lương và chính sách, chế độ đãi ngộ, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của Trung tâm theo quy định của pháp luật và phân cấp của UBND tỉnh.
  9. Quản lý tài chính, tài sản của Trung tâm theo quy định của Pháp luật và phân cấp quản lý.
  10. Thực hiện công tác tổng hợp, thống kê, thông tin, báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao theo quy định của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.
  11. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội giao và theo quy định của pháp luật.