Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Bình
Thứ ba, 19/03/2024
Chào mừng bạn đến với Website Cổng thông tin điện tử Sở lao động thương binh xã hội ninh bình. Website hiển thị tốt nhất trên trình duyệt Filefox và Chrome

Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác lao động, người có công và xã hội năm 2018

Thứ tư, 17/01/2018

Ngày 17/1, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác lao động, người có công và xã hội năm 2017, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2018. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo hội nghị .

      Dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình có các đồng chí: Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Trần Hồng Quảng, TVTU, Chủ tịch HĐND tỉnh, lãnh đạo đại diện một số sở, ban, ngành của tỉnh. Về phía Sở Lao động - TBXH có đồng chí Lâm Xuân Phương - Giám đốc Sở, các đồng chí Lãnh đạo sở, trưởng các phòng nghiệp vụ sở, trưởng phòng LĐTBXH các huyện, thành phố

.

Năm 2017: Ngành LĐ-TBXH hoàn thành 100% các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, thực hiện phương châm “Đoàn kết - Kỷ cương - Sáng tạo - Hiệu quả”, trong năm vừa qua ngành LĐ-TBXH đã tập trung thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; hoàn thành 100% các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, đặc biệt là chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao: Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị là 3,18%; tỷ lệ lao động qua đào tạo 56%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ là 22,5%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm khoảng 1,35% (trong đó, các huyện nghèo giảm khoảng 5%).

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu khai mạc Hội nghị

Công tác xây dựng và thực hiện các chính sách an sinh xã hội đã đạt những kết quả quan trọng, tạo thêm được nhiều việc làm, đảm bảo thu nhập tối thiểu cho người dân, làm tốt công tác hỗ trợ thường xuyên đối với những người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và hỗ trợ đột xuất; công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, phòng chống tệ nạn xã hội được tăng cường. Việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển thị trường lao động, chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn, vệ sinh lao động được tiến hành với nhiều hoạt động hiệu quả, thiết thực hơn. Công tác bình đẳng giới, hợp tác quốc tế, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí… đều được triển khai đồng bộ, đạt kết quả tích cực. Đặc biệt, trong năm 2017, năm kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành tổ chức nhiều hoạt động đền ơn, đáp nghĩa thiết thực, có ý nghĩa giáo dục, nhân văn sâu sắc trên phạm vi cả nước, như đánh giá của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Bộ LĐTBXH, các cấp, các ngành đã có nhiều hoạt động đa dạng, phong phú, thiết thực chăm sóc người có công, trở thành phong trào quần chúng lan tỏa sâu rộng, đến từng ngõ xóm, làng xã và từng gia đình”.

 

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Nhiều dấu ấn nổi bật trên các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội

Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, năm 2017, toàn ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã đạt được những kết quả tích cực, tạo một bước tiến mới so với năm 2016. Cụ thể:

Hoàn thành các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao, góp phần cùng cả nước hoàn thành toàn diện 13 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể: Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị là 3,18%; tỷ lệ lao động qua đào tạo 56%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ là 22,5%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm khoảng 1,35% so với cuối năm 2016 (trong đó, các huyện nghèo giảm khoảng 5%).

Hoàn thiện thể chế, hoàn thành Chương trình công tác năm 2017 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ:Trong năm, Bộ đã hoàn thành 100% các đề án, nhiệm vụ được giao; trong đó, đã trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng; trình Chính phủ ban hành 09 Nghị định và 01 Nghị quyết; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 04 Quyết định và 03 Chỉ thị. Ban hành theo thẩm quyền 35 Thông tư hướng dẫn thực hiện theo các lĩnh vực quản lý nhà nước được giao.

 

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp trình bày báo cáo tại Hội nghị

Phát triển giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Trung chỉ đạo, hướng dẫn triển khai Luật giáo dục nghề nghiệp, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; tiếp nhận chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp đối với các trường cao đẳng, trường trung cấp từ ngành giáo dục và đào tạo. Đến nay, cả nước có 1.974 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm: 388 trường cao đẳng, 551 trường trung cấp và 1.035 trung tâm giáo dục nghề nghiệp.

Triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và hội nhập quốc tế. Năm 2017 cả nước tuyển sinh các cấp trình độ khoảng 2,2 triệu người, đạt 100,2% kế hoạch, trong đó: Tuyển sinh trình độ cao đẳng và trung cấp là 540 nghìn người, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng khoảng 1,66 triệu người. Ước tốt nghiệp năm 2017 khoảng 1,9 triệu người; trong đó: Cao đẳng và trung cấp khoảng 400 nghìn người, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng khoảng 1,5 triệu người.

 

Ông Ngô Trường Thi - Vụ trưởng, Chánh Văn phòng quốc gia về Giảm nghèo bền vững phát biểu tham luận lại Hội nghị

Phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm: Đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung - cầu lao động; thu thập, cập nhật, tổng hợp thông tin thị trường lao động để chia sẻ, cung cấp kịp thời thông tin về thị trường lao động trên cả nước. Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống các Trung tâm dịch vụ việc làm; đẩy mạnh hoạt động cung ứng các dịch vụ việc làm, nâng tần suất các phiên giao dịch việc làm. Phát triển, mở rộng thị trường lao động ngoài nước; tăng cường quản lý, chấn chỉnh để ổn định và phát triển bền vững hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, đặc biệt tại các thị trường trọng điểm như: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc.

Triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án, chính sách về giải quyết việc làm. Cả năm giải quyết việc làm cho trên 1,63 triệu người, đạt 102,48% kế hoạch, trong đó: Tạo việc làm trong nước trên 1,5 triệu người, đạt 100,7% kế hoạch; Đưa trên 134 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 127,6% kế hoạch. Tỷ lệ lao động làm công hưởng lương trên tổng số người có việc làm ước đạt trên 43%.

Thực hiện tốt chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện quan hệ lao động: Hướng dẫn triển khai các chính sách đối với lao động trong quá trình sắp xếp, đổi mới hoạt động doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập; chính sách đối với người lao động dôi dư nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; Đã trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng năm 2018. Thu nhập bình quân tháng từ việc làm chính của lao động làm công hưởng lương quý III/2017 là 5,36 triệu đồng, tăng 434 nghìn đồng (tăng 8,8%) so với cùng kỳ năm 2016.

Triển khai Chỉ thị số 34/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội. Cuối năm 2017 có trên 13,8 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, đạt 25,2% lực lượng lao động (trong đó tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 13,52 triệu người); có trên 11,4 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Trong năm đã giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội cho trên 9 triệu lượt người, bảo hiểm thất nghiệp cho trên 660 nghìn lượt người lao động.

Trình Chính phủ điều chỉnh mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Đối thoại định kỳ năm 2017 về an toàn, vệ sinh lao động. Hướng dẫn các địa phương thực hiện việc cấp giấy phép, quản lý lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

 

Ông Trương Anh Dũng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp trình bày tham luận tại Hội nghị

Thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng: Năm 2017, năm “Đền ơn, đáp nghĩa”, cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành với nhiều hoạt động đền ơn, đáp nghĩa thiết thực, tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ; thực hiện tốt các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Tập trung giải quyết hồ sơ tồn đọng về xác nhận, công nhận người có công với cách mạng với cách làm sáng tạo, linh hoạt, dân chủ, công khai, minh bạch, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Kết quả đã xác nhận và tổ chức trao bằng Tổ quốc ghi công cho 1.250 liệt sỹ, công nhận 2.500 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; cấp mới, đổi trên 50.000 bằng Tổ quốc ghi công. Thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng cho gần 1,4 triệu người. Các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công” tiếp tục được phát triển sâu rộng ở tất cả các địa phương.

Cùng với đó, các lĩnh vực xã hội về giảm nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều cuối năm 2017 giảm khoảng 1,35% so với cuối năm 2016 (trong đó, tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo giảm khoảng 5%); Các chính sách trợ giúp xã hội được thực hiện đầy đủ cho trên 2,7 triệu đối tượng bảo trợ xã hội; kinh phí thực hiện gần 15 nghìn tỷ đồng...

Nhìn chung, tất cả các lĩnh vực của ngành có nhiều chuyển biến tích cực, tạo một bước tiến mới so với cùng kỳ năm 2016, đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. An sinh xã hội được bảo đảm, giảm nghèo đi vào thực chất với các hoạt động thiết thực nhằm đảm bảo “không để ai bị bỏ lại phía sau”; công tác người cao tuổi, bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ... được quan tâm chỉ đạo.

Để có những kết quả nổi bật đó của toàn ngành trong năm 2017, có thể nói, là do nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp của các cấp, các ngành, địa phương; sự đồng thuận của toàn xã hội; với sự chủ động, linh hoạt, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, kiên trì thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Bộ, ngành và sự đoàn kết, nỗ lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn ngành LĐ-TBXH.

 

 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị

Năm 2018: Phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tập trung, kiên trì, quyết liệt thực hiện mục tiêu của toàn ngành đặt ra

Năm 2018, năm bản lề thực hiện Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với phương châm hành động Chính phủ đã đề ra là Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, toàn ngành Lao động - Thương binh và Xã hội phải nỗ lực hơn nữa, kiên quyết khắc phục những tồn tại, hạn chế của năm 2017; quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tập trung, kiên trì, quyết liệt thực hiện mục tiêu của toàn ngành đặt ra là: Tiếp tục hoàn thiện, phát triển thị trường lao động nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lựcĐổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cải thiện, nâng cao mức sống người có công, bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội, thực hiện dân chủ và công bằng xã hội”.

Phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra; trong đó: (i) Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; (ii) Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58 - 60% (trong đó, có bằng/chứng chỉ là 23 - 23,5%); (iii) Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 1 - 1,5% (trong đó, các huyện nghèo giảm 4%).

Nguồn Molisa.gov.vn

Văn bản điện tử
Một cửa điện tử