Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Bình
Thứ sáu, 29/03/2024
Chào mừng bạn đến với Website Cổng thông tin điện tử Sở lao động thương binh xã hội ninh bình. Website hiển thị tốt nhất trên trình duyệt Filefox và Chrome

Hội nghị trực tuyến về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020

Thứ ba, 18/10/2016

Ngày 15/10, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Tại điểm cầu Ninh Bình, dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thị Thanh, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Hồng Quảng, TVTU, Chủ tịch HĐND tỉnh.

Các đại biểu dự hội nghị.

Qua 5 năm (2010-2015) triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội, đã huy động được sự quan tâm, tham gia của cả hệ thống chính trị, các tổ chức quốc tế, tạo nên sức mạnh to lớn trong quá trình tổ chức chỉ đạo thực hiện từ Trung ương đến địa phương, cơ sở.

Nhờ đó, mục tiêu giảm nghèo cả nước đạt chỉ tiêu theo kế hoạch Quốc hội đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 14,2% xuống còn 4,2% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015, thu nhập bình quân của hộ nghèo cả nước tăng lên 1,6 lần so với cuối năm 2011. Với việc áp dụng phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều, tỉ lệ hộ nghèo cả nước chiếm 9,88%.

Mặc dù có nhiều kết quả nổi bật, song công tác giảm nghèo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, đó là kết quả giảm nghèo chưa bền vững, chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp; nguồn lực thực hiện chính sách và Chương trình giảm nghèo hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu giảm nghèo nhanh và bền vững; cơ chế phối hợp, chỉ đạo, điều hành ở các cấp, cơ chế phân cấp, trao quyền còn nhiều hạn chế…

Đối với tỉnh Ninh Bình, sau 5 năm (2011-2015) thực hiện các chính sách pháp luật của Nhà nước về giảm nghèo trên địa bàn tỉnh, với tổng nguồn lực huy động và lồng ghép các chương trình cho mục tiêu xoá đói giảm nghèo trên 2800 tỷ đồng đã phát huy hiệu quả tích cực, hoàn thành tốt việc xoá hộ đói, giảm hộ nghèo, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh, tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Từ tỉ lệ hộ nghèo 12,39% năm 2011 đến năm 2015 đã giảm xuống còn 2,91%. Xoá xong nhà tạm cho hộ nghèo. Cơ sở hạ tầng được tăng cường, nông thôn khởi sắc, đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân được nâng lên. Mức sống của dân cư được cải thiện, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với đảng và nhà nước…

Sau khi nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kết luận hội nghị, tại điểm cầu Ninh Bình, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thanh yêu cầu các sở, ban, ngành tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; học tập kinh nghiệm, cách làm mới, hiệu quả trong công tác giảm nghèo của một số tỉnh, thành phố có kết quả giảm nghèo nhanh, bền vững.

Đặc biệt, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, các địa phương, đơn vị, các sở, ban, ngành của tỉnh cần căn cứ vào thực tiễn địa phương để xây dựng kế hoạch giảm nghèo phù hợp, hiệu quả.

Việc triển khai thực hiện công tác giảm nghèo cần đi vào thực chất hơn, không nên chỉ đóng khung trong công tác giảm nghèo mà phải có tầm nhìn rộng hơn, cần đặc biệt chú trọng đến các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, từ đó các địa phương mới có tiềm lực thực hiện công tác giảm nghèo.

Trong thời gian tới, để khuyến khích tinh thần tự lực, tự cường, ý chí phấn đấu vươn lên thoát nghèo của người nghèo, thì cần tăng cường chính sách hỗ trợ cho vay có hoàn trả, có điều kiện và có thời hạn. Việc hỗ trợ chỉ nên là “lực đẩy”, giúp người nghèo định hướng, lựa chọn phương pháp thoát nghèo phù hợp.

Cùng với nỗ lực của chính người nghèo thì sự chung tay hỗ trợ kịp thời của cộng đồng, của các đơn vị, doanh nghiệp thông qua các hoạt động thiết thực như cho vay vốn, hỗ trợ giống, cây trồng, con nuôi; chuyển giao khoa học kỹ thuật… sẽ tạo nên sức mạnh to lớn trong công tác xóa đói giảm nghèo,có như vậy việc xóa đói giảm nghèo của tỉnh mới thực sự bền vững.

                                                          Đào Hằng-Minh Quang

                                                  (Nguồn: Trang TTĐT Báo Ninh Bình)

Bài viết khác
Văn bản điện tử
Một cửa điện tử