Người hỏi | Bùi Đức Ninh |
Ngày đăng | 02/04/2018 |
Câu hỏi | Kính gửi Sở LD & TBXH tỉnh Ninh Bình tôi tên là Bùi Đức Ninh. Tôi có ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn từ ngày 1/9/2011 với Công ty cổ phần nước sạch và vệ sinh nông thôn tỉnh Ninh Bình có địa chỉ tại 438 đường Nguyễn Huệ phường Ninh Phong thành phố Ninh Bình. Tháng 10/2017 tôi có nộp đơn xin thôi việc nhưng công ty bắt tôi làm việc thêm 6 tháng nữa mới được thôi việc tôi thấy trái với luật lao động là không quá 45 ngày nên ngày 30/10/2017 tôi tự ý nghỉ việc đến ngày 28/11/2018 công ty có quyết định sa thải tôi trong quyết định ghi rõ phải thanh toán đầy đủ mọi tiền lương và phụ cấp cho tôi đến hết ngày 29/10/2017. Tôi có đến công ty yêu cầu thanh toán nhưng giám đốc công ty Nguyễn Tử Phúc không chịu thanh toán cho tôi vì công ty còn nợ tôi và những người lao động trong công ty 5 tháng lương. Nay tôi muốn viết đơn nhờ phòng thanh tra của sở lao động can thiệp bảo vệ quyền lợi cho tôi thì cần thủ tục như thế nào hoặc tôi muốn khởi kiện công ty ra tòa thì thỉ thủ tục như thế nào. Xin cảm ơn. |
Trả lời: 1. Về việc ra quyết định sa thải: Khoản 3 Điều 37 Bộ luật Lao động quy định người lao động làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại Điều 156 Bộ luật lao động. Điều 41 Bộ Luật lao động quy định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là các trường hợp chấm dứt HĐLĐ không đúng quy định tại các điều 37, 38 Bộ Luật lao động. Theo nội dung ông viết trong đơn thì tháng 10/2017 ông nộp đơn xin thôi việc và ngày 30/10/2017 ông tự ý nghỉ việc. Như vậy, ông đã đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật, vi phạm thời hạn báo trước (chưa đủ 45 ngày theo quy định). Việc ngày 28/11/2018 công ty ra quyết định sa thải ông, nhưng trong đơn ông không nêu lý do công ty sa thải, không nêu rõ nội dung trong quyết định sa thải vì vậy Sở không có căn cứ để trả lời ông. Đề nghị ông căn cứ quy định tại điều 123, 124, 126, 128 Bộ Luật Lao động để đối chiếu xem việc công ty ra quyết định sa thải đối với ông đã đúng theo quy định của pháp luật lao động hay chưa? nếu ông thấy không thỏa đáng thì có đơn khiếu nại với người sử dụng lao động, cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân theo Điều 33 Bộ luật Lao động. 2. Việc không thanh toán tiền lương và phụ cấp lương khi người lao động chấm dứt HĐLĐ do doanh nghiệp nợ lương: Khoản 2 Điều 95 và Điều 96 Bộ luật lao động quy định người lao động hưởng lương tháng được trả lương tháng một lần hoặc nửa tháng một lần. Người lao động được trả lương trực tiếp đầy đủ và đúng thời hạn. Trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng thời hạn thì không được chậm quá 01 tháng và người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao đông một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương. Khoản 2 Điều 47 Bộ luật lao động thì trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày. Như vậy việc nợ lương ông 5 tháng và không thanh toán tiền lương khi chấm dứt HĐLD là vi phạm các quy định nêu trên. Vì vậy ông có thể làm đơn khiếu nại hoặc yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân. 3. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại, giải quyết tranh chấp lao động cá nhân. - Thẩm quyền giải quyết khiếu nại: Theo điều 15 Nghị định số 24/2018/NĐ-CP ngày 28/2/2018 quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi về lao động; giáo dục nghề nghiệp; hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; việc làm; an toàn, vệ sinh lao động, có hiệu lực từ ngày 15/4/2018 quy định: Người sử dụng lao động có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định, hành vi về lao động, an toàn, vệ sinh lao động của mình bị khiếu nại. Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai đối với khiếu nại về lao động, an toàn, vệ sinh lao động khi người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc đã hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết hoặc có quyền khởi kiện Tòa án nhân dân khi: Có đủ căn cứ cho rằng quyết định, hành vi của người sử dụng lao động; là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình; Không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu; Đã hết thời hạn mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết; Không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai; Đã hết thời hạn quy định mà khiếu nại lần hai không được giải quyết. - Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân: Theo Điều 200 Bộ luật Lao động thì cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là: Hòa giải viên lao động; tòa án nhân dân Vì vậy, khi có đủ căn cứ chứng minh người sử dụng lao động vi phạm các quy định của pháp luật lao động, người lao động có thể làm đơn khiếu nại hoặc yêu cầu các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền nêu trên để được xem xét giải quyết. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời ông được biết./. |