Người hỏi | nguyễn văn A |
Ngày đăng | 01/08/2017 |
Câu hỏi | hãy cứu chúng tôi. Tôi đang làm việc tại cty chiachen thuộc khu công nghiệp khánh phú từ đầu năm đến nay tình hình công việc công ty không được tốt liên tục các đơn hàng lớn bị cắt đời sống công nhân chúng tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn trước tình hình khó khăn đó công ty và công đoàn công ty đã kêu gọi chúng tôi chung tay cùng công ty vượt qua khó khăn cụ thể là 1 tháng tương đương với 26 ngày công chúng tôi nghỉ luân phiên 3 ngày ko lương công ty hứa trong vòng 2-3 tháng sẽ đưa công việc trở lại quỹ đạo bình thường đến tháng 4 tất cả công nhân chúng tôi đã ký vào giấy xin khách hàng xuất đơn để cải thiện tình hình nhưng đến nay công việc không có gì tốt lên hay có dấu hiệu khả quan chúng tôi chỉ nhận được những lời hứa từ ban giám đốc công ty, sự việc này chúng tôi có thể chịu đựng nhưng từ tháng 7 trở lại đây công ty tăng sản lượng của tất cả các ban sản xuất trong công ty. công ty ép chúng tôi phải hoàn thành tối thiểu 80% sản lượng <sản lượng mới> nếu ai hay bộ phận nào không hoàn thành đều phải ở lại tăng ca các chi phí phát sinh khi tăng ca đó sẽ trừ trực tiếp vào tiền công của người công nhân tăng ca đó ai chống đối sẽ được công ty "thưởng" biên bản sự việc trừ 200000vnđ và chắc chắn sẽ ưu ái nằm vào danh sách được thôi việc khi công ty có lý do. chúng tôi bị ép buộc phải làm đủ sản lượng mà công ty mới đề ra và khi hết viêc công ty sẽ cho chúng tôi nghỉ tự túc không lương vô thời hạn. Bản thân tôi cũng không còn muốn tiếp tục làm việc ở đó nữa , chỉ mỗi một điều nếu tôi viết đơn nghỉ có phải rễ ràng cho công ty quá không những người cố gắng bám trụ ở lại sẽ như thế nào? xin cho tôi biết phải làm như thế nào để chúng tôi những người công nhân có được một chút công bằng. * -hợp đồng chúng tôi ký với công ty là ăn lương cơ bản theo tháng - tăng sản lượng, tăng ca không lương, trừ vào lương các chi phí phát sinh khi tăng ca, nghỉ không lương công ty chỉ thông báo đến công nhân nói là quy định mới của công ty mà chưa bàn luận hay lấy bất kỳ ý kiến nào từ công nhân và cũng không có sự nhất chí nào từ công nhân |
Trả lời: Do câu hỏi không rõ ràng nên căn cứ vào nội dung trên, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội làm rõ 3 vấn đề:
1. Về hình thức trả lương Theo quy định tại Điều 94 Bộ luật Lao động thì người sử dụng lao động có quyền lựa chọn hình thức trả lương theo thời gian, sản phẩm hoặc khoán. Hình thức trả lương đã chọn phải được duy trì trong một thời gian nhất định; trường hợp thay đổi hình thức trả lương thì người sử dụng lao động phải thông báo cho người lao động biết trước ít nhất 10 ngày. Căn cứ quy định trên, trong hợp đồng lao động ký giữa người lao động và người sử dụng lao động, nếu hình thức trả lương được ký là trả theo thời gian, sau đó người sử dụng lao động muốn thay đổi hình thức trả lương theo sản phẩm hoặc khoán thì người sử dụng lao động phải thông báo cho người lao động trước ít nhất 10 ngày.
2. Về việc tăng ca (làm thêm giờ) - Theo quy định tại Điều 106 Bộ luật Lao động thì làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường được quy định trong pháp luật, theo thỏa ước lao động tập thể, hoặc theo nội quy lao động. Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi được sự đồng ý của người lao động và đảm bảo số giờ làm thêm của người lao động không được quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, không quá 30 giờ trong 01 tháng, tổng số không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt được quy định tại Nghị định số 45/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013 của chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn lao động, vệ sinh lao động thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm. - Theo Điều 97 Bộ luật Lao động thì người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc theo công việc đang làm như sau: + Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%; + Vào ngày nghỉ hàng tuần, ít nhất bằng 200%; + Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày Như vậy, theo quy định trên thì nếu người lao động làm việc ngoài giờ làm việc bình thường được quy định trong Nội quy lao động của Công ty thì thời gian đó được tính là thời gian làm thêm giờ và người sử dụng lao động nếu muốn tổ chức làm thêm giờ thì phải được sự đồng ý của người lao động, nếu người lao động không đồng ý làm thêm giờ mà người sử dụng lao động căn cứ vào lý do này để xử lý kỷ luật lao động hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động là sai với quy định của pháp luật lao động và khi người lao động làm thêm giờ, người sử dụng lao động không trả tiền lương làm thêm giờ cũng là sai với quy định của pháp luật.
3. Về việc nghỉ không hưởng lương Tại khoản 3 Điều 116 Bộ luật lao động thì người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận để nghỉ không hưởng lương. Vì vậy, việc nghỉ không hưởng lương là do hai bên thỏa thuận. Nếu người lao động không đồng ý có thể làm đơn xin chấm dứt hợp đồng lao động.
4. Về việc giải quyết tranh chấp lao động: Theo Điều 200 Bộ luật Lao động thì cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là: Hòa giải viên lao động; tòa án nhân dân Theo Điều 203 Bộ luật lao động thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể là: Hòa giải viên lao động; Chủ tịch UBND huyện, thành phố nơi công ty có trụ sở làm việc; Tòa án nhân dân. Vì vậy, khi có đủ căn cứ chứng minh người sử dụng lao động vi phạm các quy định của pháp luật lao động, người lao động có thể làm đơn yêu cầu các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền nêu trên để được xem xét giải quyết. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và Liên đoàn lao động tỉnh có trách nhiệm hỗ trợ và giúp đỡ các bên trong giải quyết tranh chấp lao động. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời Ông được biết./. |