Tại điểm cầu Ninh Bình dự hội nghị có đồng chí Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh chủ trì điểm cầu. Cùng dự có các thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của tỉnh; lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương; thành viên Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của tỉnh.
Hình ảnh hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình
Xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm; năm 2023 là năm Dữ liệu số quốc gia, với quan điểm dữ liệu số là tài nguyên quốc gia, là nền tảng của phát triển. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và sự đồng lòng của nhân dân cả nước, Uỷ ban quốc gia về chuyển đổi số đã tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, nhiệm vụ để chuyển đổi số thành công đạt nhiều kết quả nổi bật, cụ thể:
Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới xếp hạng chỉ số Đổi mới sáng tạo của Việt Nam năm 2023 đứng thứ 46, tăng 2 bậc so với năm 2022, liên tiếp duy trì trong nhóm 50 nước dẫn đầu từ năm 2018 đến nay. Hiện nay, Việt Nam đã có hơn 1.500 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có doanh thu từ thị trường nước ngoài, tăng hơn 7% so với năm 2022. Tổng doanh thu từ thị trường nước ngoài ước đạt 7,5 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2022. Doanh thu của các khu công nghệ thông tin tập trung vào khoảng 15 triệu USD/1ha/1 năm, cao hơn khoảng 15 lần so sánh với doanh thu của các khu công nghiệp.
Việt Nam nằm trong nhóm 10 nước dẫn đầu về số lượng lượt tải mới ứng dụng trên thiết bị di động trong 2 năm liên tiếp là 2022 và 2023. Số lượng người dùng trên các nền tảng số Việt Nam tăng trưởng 46% so với năm 2022. Có 03 ứng dụng của cơ quan nhà nước có lượng người dùng lớn là VneID của Bộ Công an, VssID của Bảo hiểm Xã hội và Thanh niên Việt Nam của Trung ương Đoàn.
Đến hết năm 2023, các bộ, ngành đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa gần 2.500 quy định kinh doanh, đơn giản hóa 528/1.086 thủ tục hành chính liên quan đến công dân. Kết nối, chia sẻ dữ liệu về dân cư và bảo hiểm thuận lợi hơn cho người dân đi khám bệnh, chỉ cần cung cấp căn cước công dân, quy trình từ 4 bước rút gọn còn 2 bước; thời gian cho mỗi lượt xác thực từ 10 phút xuống chỉ còn 6-13 giây. Kết nối, chia sẻ dữ liệu để đơn giản hóa thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, gộp 4 quy trình, bao gồm: Đăng ký thành lập doanh nghiệp, Đăng ký bảo hiểm xã hội, Khai trình sử dụng lao động và Đăng ký sử dụng hóa đơn, thành 1 quy trình; qua đó, rút ngắn thời gian thực hiện từ 16 ngày xuống tối đa là 6 ngày.
Bên cạnh đó, việc giải quyết thủ tục hành chính ở một số địa phương có sự thay đổi đột phá, ví dụ tháng 6/2023, Quảng Ninh cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 02 dự án đầu tư của doanh nghiệp có tổng mức vốn đầu tư gần 250 triệu USD chỉ trong 12 giờ làm việc kể từ thời điểm nhà đầu tư nộp hồ sơ trực tuyến qua cổng dịch vụ công của tỉnh, rút ngắn thời gian 14 ngày làm việc so với quy định. Bộ Công an đã tích cực, chủ động trong xây dựng CSDLQG về dân cư. Đây là CSDLQG quan trọng, mang tính chất nền tảng để từ đó phát triển các CSQLQG, CSDL chuyên ngành khác. Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện tốt vai trò điều phối, hỗ trợ các bộ ngành, địa phương nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu kết nối kỹ thuật, bảo đảm an toàn thông tin mạng.
Đặc biệt, Việt Nam đạt được các thành tích ấn tượng tại các cuộc thi quốc tế về an toàn thông tin trong năm 2023, ở cả cấp độ chuyên gia và cấp độ trẻ. Cụ thể, đội chuyên gia của Viettel vô địch cuộc thi uy tín nhất thế giới trong giới chuyên gia Pwn2Own; đội sinh viên của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh vượt qua 37 đội đến từ 10 nước ASEAN vô địch cuộc thi ASEAN Cyber Shield; đội sinh viên của Đại học Bách Khoa Hà Nội vượt qua 233 đội đến từ 10 nước ASEAN vô địch cuộc thi Sinh viên với an toàn thông tin.
Về phía tỉnh Ninh Bình, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Uỷ ban quốc gia về chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông; của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh đã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn để các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức triển khai thực hiện các chỉ tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ tại Kế hoạch hoạt động của Uỷ ban quốc gia về chuyển đổi số năm 2023. Trong đó, hoàn thành việc chuẩn hóa kết nối mạng TSLCD cấp 2 theo yêu cầu của Cục Bưu điện trung ương cho 143 xã/phường/thị trấn, 08 UBND huyện/thành phố, 08 thành ủy/huyện ủy. Trung tâm dữ liệu tỉnh đã cơ bản hoàn thành các cấu phần chính; kho dữ liệu dùng chung của tỉnh đã hoàn thành đầu tư hệ thống phần mềm lõi và máy chủ phục vụ cài đặt phần mềm giai đoạn 1; nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh (LGSP) đã kết nối với nền tảng quốc gia và phát huy hiệu quả với số lượng giao dịch đạt cao.
Cổng dữ liệu tỉnh tại địa chỉ: https://data.ninhbinh.gov.vn đã công khai dữ liệu mở cho 11 lĩnh vực, hiện cổng dữ liệu đã ghi nhận trên 40.000 lượt truy cập với trên 1.500 dữ liệu đã được chia sẻ. Hiện tại Hệ thống đã cấp được gần 12.000 tài khoản cho người dân, doanh nghiệp để sử dụng, khai thác Kho dữ liệu; Đồng thời đã kết nối, tích hợp chia sẻ dữ liệu kết quả giải quyết TTHC từ Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh với Kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng DVC quốc gia. Hệ thống thông tin giải quyết TTHC được triển khai và duy trì hoạt động ổn định, hiệu quả; Hệ thống giám sát, điều hành thông minh (IOC) tỉnh Ninh Bình đã đi vào hoạt động từ quý I năm 2022 với 303 tài khoản được cấp. Đến hết 15/12/2023, Công an tỉnh đã thu nhận 691.263 tài khoản, kích hoạt 529.510 tài khoản định danh điện tử vượt chỉ tiêu Bộ giao 529.510/448.959, đạt 117,9%.
Trung tâm Phục vụ hành chính công, Bộ phận Một cửa cấp huyện,cấp xã đã triển khai đa dạng các hình thức hỗ trợ thông tin cho cá nhân, tổ chức có nhu cầu giải quyết TTHC thông qua Website và tổng đài điện thoại; triển khai tích hợp ứng dụng nền tảng Zalo phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Người dân bước đầu đã làm quen với khái niệm chuyển đổi số, từng bước cài đặt và sử dụng dịch vụ số phục vụ cho nhu cầu thiết yếu như y tế, giáo dục, chính sách xã hội, phòng chống dịch, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, tham gia sàn thương mại điện tử... và phục vụ công việc và cuộc sống.
Tại hội nghị, đại biểu trung ương và địa phương đã tham gia tham luận nêu rõ những kết quả đã đạt được, những tồn tại, hạn chế và đề xuất các giải pháp đẩy mạnh phát triển chuyển đổi số trong năm 2024.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực cũng như những kết quả nổi bật trong triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2023 của Uỷ ban quốc gia về chuyển đổi số, sự phối hợp của các bộ, ngành Trung ương và địa phương, sự đồng lòng, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp. Với mục tiêu tăng tốc và bức phá đi cùng với phát triển nhanh và bền vững trong chuyển đổi số năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành Trung ương và địa phương tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, không lơ là chủ quan, luôn đổi mới tư duy, có tâm nhìn chiến lược, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, với phương pháp khoa học thực tiễn và hiệu quả tạo đột phá trong chuyển đổi số.
Trong đó, cần ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế số, tăng cường hợp tác quốc tế, khu vực góp phần xây dựng nền kinh tế số độc lập, tự chủ gắn tích cực chủ động hội nhập quốc tế thực chất và sâu rộng. Phát triển kinh tế số phải lấy tri thức và giữ liệu số làm yếu tố sản xuất chủ yếu, công nghệ số làm động lực cốt lõi và hạ tầng số hiện đại làm nền tảng quan trọng để đẩy nhanh công cuộc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng và mô hình quản trị văn minh, hiện đại, thực hiện khát vọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phát huy tính chủ động, sáng tạo, huy động mọi nguồn lực, sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân, cộng đồng doanh nghiệp để phát triển kinh tế số, hạ tầng số hiện đại, phục vụ hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp. Các bộ, ngành, địa phương cần tích cực chủ động, kịp thời phối hợp với Bộ Công an để khai thác toàn diện, hiệu quả cơ sở dữ liệu dân cư giúp giảm chi phí, thời gian đi lại cho người dân. Đồng thời đề nghị Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số và Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của các bộ, ngành và địa phương khẩn trương ban hành Kế hoạch chuyển đổi số năm 2024 để tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả, tạo đột phá trong năm 2024.