Thanh toán không dùng tiền mặt được ứng dụng trong nhiều giao dịch về thủ tục hành chính.
Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 20/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, UBND thành phố Ninh Bình đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả.
Đồng chí Vũ Hoài Chương, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ninh Bình cho biết: Thành phố đã chỉ đạo cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở cùng tham gia chuyển đổi số, xây dựng kế hoạch chuyển đổi số cấp xã phiên bản 1.0 trên địa bàn, chỉ đạo 14/14 xã, phường thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức số, thể chế số.
Thực hiện phát triển chính quyền số, chuyển đổi số, thành phố đã quan tâm đầu tư hoàn thiện hạ tầng số. Đến nay, trên địa bàn thành phố có khoảng 90% người dân trưởng thành, 95,6% hộ gia đình có điện thoại thông minh, 96% hộ gia đình có kết nối Internet băng rộng cáp quang; 100% xã, phường đã kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng.
Đến nay, trong hoạt động xây dựng chính quyền số, 100% cán bộ, công chức tại các xã, phường được cấp hòm thư điện tử công vụ, chữ ký số chuyên dùng và thực hiện xử lý văn bản trên thống iOffice, hệ thống giải quyết thủ tục hành chính tỉnh; 100% văn bản (trừ văn bản mật của các xã, phường được thực hiện dưới dạng điện tử, ký số theo quy định. Tại bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả thành phố và các xã, phường thực hiện niêm yết công khai, kịp thời 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền.
Trong năm 2023, trên Hệ thống một cửa điện tử của thành phố đã tiếp nhận 64.557 hồ sơ, trong đó có 61.114 hồ sơ được tiếp nhận trực tuyến, đạt 94,66%; hồ sơ trả kết quả trực tuyến là 54.268 hồ sơ; 15/15 dịch vụ công thiết yếu thuộc thẩm quyền giải quyết của thành phố được triển khai đồng bộ, hiệu quả, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của các lĩnh vực đều đạt trên 90%. Trong đó thông báo lưu trú và 2 thủ tục liên thông đạt 100%; đăng ký khai sinh, khai tử đạt 99,6%...
Nhiều tổ chức, cá nhân trong tỉnh thực hiện các thủ tục hành chính, nộp hồ sơ trực tuyến.
Đồng chí Tạ Quang Phương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Năm qua, tỉnh Ninh Bình đã quan tâm hoàn thiện thể chế phục vụ xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số ở địa phương. Tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát triển chính quyền số, chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin mạng tỉnh Ninh Bình năm 2023 và các văn bản quản lý về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đã cụ thể hóa các quy định của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, tạo cơ sở pháp lý phục vụ xây dựng, phát triển chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh.
HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 96/2023/NQ-HĐND về sửa đổi, bổ sung một số Nghị quyết của HĐND tỉnh ban hành Quy định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng các khoản phí, lệ phí trên địa bàn tỉnh, trong đó đã giảm phí, lệ phí để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Bên cạnh đó, hạ tầng mạng viễn thông và kỹ thuật công nghệ thông tin, hệ thống nền tảng của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh hiện nay đã cơ bản đáp ứng được nhiệm vụ xây dựng Chính quyền điện tử, phát triển chính quyền số và chuyển đổi số. Trung tâm dữ liệu của tỉnh (DC) đang tích cực triển khai, từng bước phấn đấu đạt theo tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP) tiếp tục được đầu tư, mở rộng để đáp ứng các yêu cầu kết nối giữa các hệ thống thông tin của tỉnh với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của quốc gia (NDXP) như: Nền tảng sàn thương mại điện tử postmart.vn và voso.vn đã được triển khai để hỗ trợ người dân, các hộ sản xuất nông nghiệp đưa sản phẩm lên sàn quảng bá, giao dịch, bán sản phẩm; Nền tảng định danh và xác thực điện tử (VN-eID) được Công an tỉnh triển khai, hiện đã cấp khoảng 181.567 tài khoản cho công dân; Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tỉnh Ninh Bình; Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh được khai thác, phục vụ có hiệu quả cho công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.
Tỉnh đã công bố Danh mục dữ liệu mở của tỉnh, tiếp tục triển khai Kho dữ liệu dùng chung, Cổng dữ liệu mở của tỉnh và thực hiện tích hợp, công khai trên Cổng dữ liệu của tỉnh 10 lĩnh vực để khai thác sử dụng.
Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng và hoàn thành Kho dữ liệu trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh; đến nay, hệ thống đã cấp được gần 12.000 tài khoản cho người dân, doanh nghiệp để sử dụng, khai thác Kho dữ liệu; đã kết nối, tích hợp chia sẻ dữ liệu kết quả giải quyết TTHC từ Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh với Kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng DVC quốc gia.
Đã thực hiện chuẩn hóa các cơ sở dữ liệu trên các hệ thống thông tin, nền tảng dùng chung của tỉnh, như các hệ thống: Quản lý văn bản và điều hành, Thông tin báo cáo, Thư điện tử công vụ, Thông tin giải quyết TTHC, Cổng thông tin điện tử của tỉnh, Công báo tỉnh, Văn bản quy phạm pháp luật tỉnh.
Các hệ thống thông tin phục vụ quản lý, điều hành tiếp tục được khai khác, vận hành có hiệu quả. Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành hiện có 11.063 tài khoản người dùng, trên hệ thống ghi nhận có trên 11 triệu lượt văn bản luân chuyển; tỷ lệ văn bản thực hiện ký số, luân chuyển trên Hệ thống: Cấp tỉnh 96,34%; cấp huyện: 94,86%; cấp xã: 95,8%.
Hệ thống thông tin báo cáo được triển khai đến 100% cơ quan Nhà nước ở cả 3 cấp với 750 tài khoản người dùng và liên thông với hệ thống thông tin báo cáo của Văn phòng Chính phủ; đảm bảo các yêu cầu, điều kiện, sẵn sàng kết nối với hệ thống IOC của tỉnh.
Hệ thống Hội nghị trực tuyến duy trì hoạt động ổn định với 164 điểm cầu tại 3 cấp. Hệ thống họp không giấy tờ (Ecabinet) đã triển khai đến các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, cấp 1.305 tài khoản người dùng và tổ chức tập huấn cho 1.164 cán bộ, công chức, viên chức.
Hệ thống thư điện tử công vụ với 10.874 tài khoản, đạt tỷ lệ 96% sử dụng thường xuyên. 100% cơ quan nhà nước được cấp chữ số chuyên dùng với 5.208 chứng thư, các công chức, viên chức tại Bộ phận một cửa các cấp đã được trang bị đầy đủ chữ ký số chuyên dùng của Chính phủ, phục vụ công tác tiếp nhận và giải quyết hồ sơ TTHC.
Đồng thời, việc xây dựng, phát triển ứng dụng, dịch vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến tiếp tục được triển khai hiệu quả, với trọng tâm là đẩy mạnh triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình theo quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ.
Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đã thực hiện đồng bộ, kết nối và đồng bộ trạng thái hồ sơ TTHC lên Cổng dịch vụ công quốc gia, triển khai cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử; các dịch vụ công về hoạt động khuyến mại; đã kết nối với nền tảng thanh toán trực tuyến, thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trên cổng dịch vụ công quốc gia. Kết nối với Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số (Hệ thống EMC) để thực hiện đo lường, đánh giá, theo dõi, quản lý việc cung cấp và hiệu quả sử dụng thông tin và dịch vụ công trực tuyến theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông; đã thực hiện kết nối với 19 cơ sở dữ liệu, phần mềm chuyên ngành của các Bộ, ngành.
Năm 2023 cũng ghi nhận những kết quả nổi bật của tỉnh Ninh Bình trong việc tích cực triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030; triển khai thực hiện 43 mô hình điểm của Đề án và tập trung giải quyết các "điểm nghẽn" trong thực hiện Đề án 06; việc kết nối chia sẻ dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành đang được tập trung thực hiện theo đúng lộ trình…