Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về CĐS; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tới điểm cầu 63 tỉnh, thành phố.
Đồng chí Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh dự và chủ trì hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình. Cùng dự có các thành viên Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương có liên quan.
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, CĐS Quốc gia 6 tháng đầu năm 2024 đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đối với dịch vụ công trực tuyến, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình/tổng số hồ sơ thủ tục hành chính cả nước đạt 42%; kinh tế số 6 tháng đầu năm ước đạt tăng trưởng 22,4%, chiếm tỷ trọng 18,3% trong GDP; doanh thu lĩnh vực CNTT ước đạt trên 1,92 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 26% so với cùng kỳ năm 2023. Tốc độ tăng trưởng kinh doanh số trên sàn giao dịch bán lẻ trực tuyến tăng 80% so với cùng kỳ năm 2023. Số lượng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về kết quả thực hiện các chỉ tiêu theo Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về CĐS năm 2024: Phát triển doanh nghiệp công nghệ số đạt 50.350 doanh nghiệp/mục tiêu 48.000 doanh nghiệp, đạt 104,9%. Triển khai dịch vụ công thiết yếu 43/53 dịch vụ. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của các bộ, ngành, địa phương kết nối với hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ: 19/21 bộ, cơ quan ngang bộ và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính kết nối toàn diện với hệ thống EMC. Các thôn, bản đang lõm sóng và đã có lưới điện Quốc gia được phủ sóng băng rộng di động là 256/896; tỷ lệ cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên toàn quốc triển khai giải pháp hóa đơn điện tử phát hành hóa đơn ngay từ máy tính tiền đạt tỷ lệ 92,2%...
Việc tổ chức triển khai quyết liệt Đề án 06 từ Trung ương đến cơ sở được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Qua đó góp phần thay đổi phương thức quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý công dân, tiết kiệm thời gian, công sức; tạo nền tảng quan trọng để triển khai các dịch vụ công trực tuyến. Tuy nhiên, việc thực hiện Đề án 06 vẫn còn những tồn tại nhất định theo 6 nhóm vấn đề. Đó là: Điểm nghẽn pháp lý; điểm nghẽn về dịch vụ công trực tuyến; điểm nghẽn về hạ tầng công nghệ; điểm nghẽn dữ liệu; điểm nghẽn an ninh, an toàn bảo mật; điểm nghẽn nguồn nhân lực triển khai…
Tại hội nghị, các báo cáo, ý kiến trao đổi cũng chỉ rõ tồn tại, hạn chế, điểm nghẽn, đồng thời chia sẻ cách làm hay, bài học kinh nghiệm trong CĐS và thực hiện Đề án 06 trong thời gian qua; nêu các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và đề xuất, kiến nghị trong thời gian tới.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số biểu dương kết quả đạt được trong hoạt động CĐS và thực hiện Đề án 06 của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, các Ủy ban thành viên Ủy ban Quốc gia về CĐS, sự đồng lòng ủng hộ của người dân.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: CĐS là nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời góp phần giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, chống tham nhũng, tiêu cực. CĐS ở Việt Nam đã đến "từng ngõ, từng nhà, từng người", vì vậy nhiệm vụ quan trọng hiện nay là thúc đẩy tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy động lực tăng trưởng cũ, khai phá động lực tăng trưởng mới, các ngành mới nổi… những vấn đề này đều có quan hệ mật thiết đến chuyển đổi số. Đối với việc thực hiện Đề án 06, đây được xác định là nhiệm vụ then chốt, quan trọng và là một trong những điểm sáng của CĐS Quốc gia.
Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý, những kết quả đã đạt được rất đáng ghi nhận, tuy nhiên nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới là rất lớn, còn nhiều thách thức cần vượt qua. Vì vậy, các thành viên Ủy ban Quốc gia về CĐS, các bộ, ngành, địa phương cần nhận diện rõ những hạn chế, những bài học cần rút ra trong quá trình CĐS ở các cấp, các ngành. Đặc biệt, phải quyết tâm cao, hành động quyết liệt, hiệu quả, lựa chọn nhiệm vụ phải có trọng tâm, trọng điểm, có kế thừa, đổi mới và phát triển.
Trong 6 tháng cuối năm, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của CĐS, Đề án 06 đến từng người dân; phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu các địa phương, đơn vị; tăng cường tiềm lực cho CĐS, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên bố trí nguồn lực. Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ban chỉ đạo CĐS các bộ, ngành, địa phương… Thủ tướng yêu cầu, trong quá trình thực hiện, phải có sự phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, thực hiện dứt việc, không dàn trải, cần huy động sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị cũng như sự tham gia tích cực của toàn dân, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu thụ hưởng kết quả từ CĐS quốc gia…
Nguồn: baoninhbinh.org.vn