Tại huyện Nho Quan, qua 2 năm triển khai thực hiện Đề án 06, những kết quả đạt được tạo tiền đề quan trọng cho việc triển khai công tác chuyển đổi số tại địa phương.
Đồng chí Hoàng Khắc Tiệp, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Để thực hiện hiệu quả Đề án 06, UBND huyện, Tổ công tác thực hiện Đề án 06 huyện Nho Quan đã tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia; ban hành kế hoạch triển khai chiến dịch cao điểm 50 ngày đêm và các văn bản chỉ đạo, đôn đốc thực hiện. Đồng thời, huyện chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng và tiện ích của tài khoản định danh điện tử đối với các lĩnh vực của đời sống kinh tếxã hội. Từ đó tạo sự đồng thuận tham gia, sử dụng tài khoản định danh điện tử phổ biến trong các giao dịch hàng ngày của người dân, tổ chức, doanh nghiệp.
Quá trình tuyên truyền gắn với sinh hoạt của chi đoàn, chi hội, công đoàn, phối hợp hướng dẫn người dân cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử. Huyện chỉ đạo 100% cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đoàn viên thanh niên, tổ trưởng tổ dân phố, xóm… trên địa bàn gương mẫu, đi đầu trong cài đặt tài khoản, đăng ký tài khoản dịch vụ công trực tuyến, thực hiện các giao dịch trên môi trường mạng… Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo rà soát từng đối tượng trên địa bàn, đặc biệt là những trường hợp chưa cài đặt và kích hoạt định danh điện tử để có giải pháp phù hợp.
Qua 2 năm triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn huyện Nho Quan đã thu nhận 120.838 tài khoản; kích hoạt 85.015 tài khoản định danh điện tử, đạt 141% chỉ tiêu được giao, là đơn vị đầu tiên trong toàn tỉnh hoàn thành chỉ tiêu kích hoạt tài khoản định danh điện tử. Hiện nay, trên địa bàn huyện triển khai các mô hình ứng dụng các tiện ích của định danh điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính và trong đời sống xã hội, có 13 mô hình đạt hiệu quả cao như: mô hình thông báo lưu trú qua phần mềm ASM tại cơ sở kinh doanh lưu trú; mô hình phản ánh tình hình an ninh trật tự từ tài khoản định danh điện tử; mô hình khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân (CCCD).
Thượng tá Trần Xuân Phú, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Tổ trưởng Tổ giúp việc Tổ công tác Đề án 06 tỉnh cho biết: Thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, Công an tỉnhCơ quan thường trực Tổ công tác Đề án 06 của UBND tỉnh đã thực hiện tốt vai trò tham mưu, đôn đốc việc triển khai thực hiện Đề án, triển khai chiến dịch làm sạch dữ liệu dân cư, 6 đợt cao điểm triển khai các giải pháp bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu của Đề án 06 trên địa bàn tỉnh.
Kết quả sau 2 năm triển khai Đề án 06, đã hoàn thành 93/100 nhiệm vụ được giao; toàn tỉnh thực hiện 25/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06. Trong đó có 11 dịch vụ công thuộc thẩm quyền của lực lượng Công an, tỷ lệ giải quyết đạt 75%; 14 dịch vụ công của các sở, ban, ngành đã giải quyết đạt 71,6%; 28 dịch vụ công theo Quyết định số 422 của Thủ tướng Chính phủ đã giải quyết đạt 78,6%.
Các ngành, địa phương đã tập trung khai thác, sử dụng thông tin về dân cư, CCCD, định danh và xác thực điện tử phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt. 100% cơ sở khám chữa bệnh trang bị máy móc, thiết bị phục vụ người dân khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chíp; 100% cơ sở giáo dục công lập thực hiện thanh toán học phí không dùng tiền mặt; chi trả trợ cấp bảo trợ xã hội, người có công không dùng tiền mặt với 2.885 đối tượng…
Việc phát triển công dân số được hoàn thành sớm so với tiến độ, đến hết tháng 5/2023, Ninh Bình là 1 trong 5 tỉnh hoàn thành sớm nhất toàn quốc việc cấp 100% thẻ CCCD gắn chíp cho công dân đủ điều kiện. Toàn tỉnh đã cấp gần 700.000 tài khoản định danh điện tử, vượt 117,4% chỉ tiêu do Bộ Công an giao.
Ninh Bình cũng hoàn thành kết nối với 19 hệ thống cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, là 1 trong 3 tỉnh đầu tiên hoàn thành việc kết nối trong cả nước. Các nhiệm vụ đồng bộ dữ liệu giữa BHYT và CCCD phục vụ việc khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD, tích hợp giấy tờ, Giấy phép lái xe, BHYT vào tài khoản định danh điện tử đang được triển khai quyết liệt và đạt được những kết quả tích cực.
Kết quả sau 2 năm triển khai Đề án 06 cho thấy Ninh Bình đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, chịu trách nhiệm về tiến độ thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06, bố trí đội ngũ cán bộ tham mưu, giúp việc có trình độ, nhiệt tình, trách nhiệm, thực hiện tốt công tác phối hợp triển khai thực hiện Đề án.
Quá trình thực hiện đã lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm của chuyển đổi số, của Đề án 06, minh bạch hóa và tăng cường sự tham gia của người dân, doanh nghiệp. Các cấp, các ngành, đơn vị đã tập trung chỉ đạo tháo gỡ những "điểm nghẽn" tại các sở, ngành, địa phương trong thực hiện Đề án 06, nhất là "điểm nghẽn" về hạ tầng công nghệ, nhân lực, dữ liệu, bảo mật an ninh, an toàn. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai Đề án tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền được chú trọng với nhiều hình thức đa dạng đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và người dân về vai trò, tầm quan trọng của Đề án 06.
Nguồn: baoninhbinh.org.vn