Sở Lao động TB&XH tỉnh Ninh Bình
Thứ năm, 21/11/2024
Chào mừng bạn đến với Website Cổng thông tin điện tử Sở lao động thương binh xã hội ninh bình. Website hiển thị tốt nhất trên trình duyệt Filefox và Chrome

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường các giải pháp thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị

Thứ hai, 20/06/2022
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường các giải pháp thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, nhằm đảm bảo công tác an sinh xã hội, tạo sinh kế cho người dân ổn định và phát triển.

Những năm qua, thực hiện Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh tích cực tham mưu ban hành nhiều cơ chế, chính sách về an sinh xã hội, tạo sinh kế cho người dân phát triển ổn định và bền vững, trong đó tập trung tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả các Chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm, quan tâm đến đời sống người có công với cách mạng.

 

Ảnh: Đồng chí Lâm Xuân Phương, Giám đốc Sở phát biểu chỉ đạo Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021

Nhiều Nghị quyết của Tỉnh ủy và Đề án của UBND tỉnh về công tác giảm nghèo được ban hành, việc triển khai thực hiện đã đi vào cuộc sống và đem lại hiệu quả thiết thực, gắn với xây dựng nông thôn mới. Huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng; giống cây trồng, vật nuôi, vay vốn ưu đãi, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động… Năm 2010,  hoàn thành việc xóa nhà tranh tre, dột nát cho các đối tượng chính sách và hộ nghèo (với 2.660 ngôi nhà được xây mới, sửa chữa, tổng kinh phí hỗ trợ trên 62 tỷ đồng); giai đoạn 2011-2020, có 6.161 hộ nghèo và hộ người có công với cách mạng, hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 22 và Quyết định 33 của Thủ tướng Chính phủ với tổng kinh phí trên 172 tỷ đồng; ngoài ra, có trên 15 nghìn hộ nghèo, cận nghèo mới thoát nghèo được hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc các Chương trình 135, 30 và 30a; trên 98 nghìn lượt học sinh, sinh viên thuộc hộ người có công với cách mạng, hộ nghèo, cận nghèo được hưởng chính sách hỗ trợ về giáo dục; trên 20 nghìn lượt người nghèo, cận nghèo được hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh; đồng thời, đã huy động được nhiều nguồn lực xã hội hóa tham gia thực hiện công tác giảm nghèo như: Quỹ Thiện tâm - Tập đoàn VinGroup; Tập đoàn Xuân Thành, Doanh nghiệp Xuân Trường, Công ty xi măng The Vissai cùng một số doanh nghiệp đã hỗ trợ hộ nghèo, người nghèo bằng nhiều hình thức khác nhau với kinh phí mỗi năm hàng chục tỷ đồng... Những giải pháp trên, góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh, từ 12,83% (năm 2006) giảm xuống còn 2,91% (năm 2015) theo tiêu chí nghèo đơn chiều và từ 7,46% (cuối năm 2015) xuống còn 1,44% (năm 2021) theo tiêu chí nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020 (3,07% theo tiêu chí nghèo giai đoạn 2022-2025).

 

Ảnh: Hỗ trợ bê giống cho hộ nghèo tại huyện Yên Khánh

Bên cạnh đó, Ngành tập trung chỉ đạo thực hiện tốt chính sách bảo trợ xã hội, thực hiện chi trả đúng, đủ, kịp thời cho trên 47 nghìn đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng và gần 500 đối tượng đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội công lập thuộc tỉnh; các chương trình, đề án, kế hoạch về trợ giúp xã hội được triển khai ngày càng toàn diện, bao trùm các nhu cầu cơ bản của đối tượng, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các đối tượng yếu thế.

Cùng với đó, công tác “Đền ơn đáp nghĩa” và chăm sóc đời sống người có công tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Ngành đã tích cực tham mưu với UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng (với mức hỗ trợ từ 800 nghìn đồng - 1triệu đồng/người/tháng), theo đó đến nay 100% hộ người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống của người dân nơi cư trú. Duy trì 100% xã, phường, thị trấn được công nhận là xã, phường làm tốt công tác người có công; 100% Mẹ Việt Nam Anh hùng được các cơ quan, đơn vị phụng dưỡng, chăm sóc đến cuối đời; tổ chức tốt việc thăm hỏi, tặng quà tri ân các đối tượng chính sách nhân dịp Lễ, Tết; công tác mộ, nghĩa trang ngày càng được quan tâm đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp đảm bảo khang trang, sạch đẹp.

  

Ảnh: Cắt băng khánh thành nhà bia tưởng niệm liệt sỹ tại NTLS Quốc gia Trường Sơn

       Xác định giải quyết việc làm là cơ sở để giảm nghèo bền vững, từ năm 2006 đến nay, Ngành đã chủ động tham mưu với Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động như: chính sách hỗ trợ về xuất khẩu lao động, du học nghề; hỗ trợ đào tạo nghề trình độ trung cấp, cao đẳng, trong đó tập trung khuyến khích đào tạo các nghề phục vụ nhu cầu nhân lực của các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh như: Du lịch - dịch vụ, sản xuất, lắp ráp ô tô; công nghiệp điện tử..., góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động của tỉnh, mở ra nhiều cơ hội thuận lợi cho người lao động trong việc tiếp cận với thị trường lao động, tìm kiếm việc làm, tăng thu nhập, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Trong giai đoạn 2006-2021, tổ chức tuyển sinh đào tạo nghề cho trên 268 nghìn lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng dần qua các năm từ 25% năm 2005 lên 66,5% năm 2021, góp phần nâng chỉ số thành phần “đào tạo lao động” trong chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh nằm trong tốp 10 của cả nước, xếp hạng 6/63 tỉnh/thành phố (tăng 2 bậc so với năm 2020); giải quyết việc làm cho trên 330 nghìn lao động (trung bình mỗi năm giải quyết việc làm cho trên 20 nghìn lượt lao động), trong đó đưa trên 20 nghìn người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, nâng cao thu nhập cho người lao động, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

 

Ảnh: Sàn giao dịch việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Ninh Bình

Đặc biệt, trong thời gian qua, đại dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng tiêu cực, toàn diện đến tình hình kinh tế - xã hội, đặc biệt là đời sống của các nhóm đối tượng yếu thế, nhất là lao động trong khu vực phi chính thức. Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ngành đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan triển khai kịp thời các chính sách an sinh xã hội nhằm hỗ trợ, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, bảo đảm đời sống và an toàn cho người dân, thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Tổ chức đón 1.210 công dân Ninh Bình lưu trú tại các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19  trở về quê đảm bảo an toàn, chu đáo. Hỗ trợ kinh phí cho trên 100 nghìn người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo với số tiền trên 118 tỷ đồng và trên 28 nghìn người lao động, người điều trị Covid -19 với số tiền trên 41 tỷ đồng; hỗ trợ giảm mức đóng vào quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất, vay vốn trả lương ngừng việc cho trên 2.700 Doanh nghiệp với số tiền trên 31,7 tỷ đồng; Thực hiện giảm đóng Bảo hiểm thất nghiệp cho 2.500 người sử dụng lao động với số tiền trên 14,2 tỷ đồng; Hỗ trợ bằng tiền cho trên 127 nghìn người lao động tham gia bảo hiểm xã hội với số tiền 305 tỷ đồng.

Bên cạnh những nỗ lực, cố gắng và những kết quả đáng ghi nhận đã đạt được sau hơn 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, việc thực hiện các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, tạo sinh kế cho người dân trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế, khó khăn cần tập trung quan tâm giải quyết, cụ thể là:

- Công tác giảm nghèo tại một số địa phương vẫn chưa thực sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo không có khả năng lao động (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2020-2025) chiếm trên 50%, do đó đặt ra nhiều thách thức trong thực hiện các giải pháp hữu hiệu để giảm nghèo cho các nhóm đối tượng trên.

- Mặc dù, Trung ương và tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, đề án phát triển cơ sở trợ giúp xã hội, song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Số lượng đối tượng cần chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp ngày càng tăng (đặc biệt là người tâm thần) trong khi cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân viên phục vụ tại các cơ sở còn thiếu, việc phát triển các cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập còn hạn chế.

- Chất lượng nguồn nhân lực tuy đã được cải thiện nhưng lao động có chuyên môn kỹ thuật cao vẫn còn thiếu, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh còn thấp so với một số tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng; kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề còn hạn chế, chưa huy động tối đa nguồn lực xã hội hóa.

Để tiếp tục thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng, thời gian tới Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục tham mưu, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, tạo sinh kế cho người dân Ninh Bình ổn định và phát triển, cụ thể như:

Thứ nhất: Tiếp tục tham mưu thực hiện đổi mới chính sách giảm nghèo theo hướng tập trung, hiệu quả gắn với mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu và tăng dần khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; chú trọng công tác tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, nhân dân, nhằm tạo sự chuyển biến tích cực, làm thay đổi căn bản cả về nhận thức, tư duy, cách tiếp cận và thưc hiện các giải pháp giảm nghèo đa chiều nhanh và bền vững. Phấn đấu đến năm 2025, giảm 2/3 số hộ nghèo so với đầu nhiệm kỳ.

Thứ hai: tập trung rà soát, tham mưu bổ sung các cơ chế chính sách về Giáo dục nghề nghiệp đảm bảo phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nguồn lực theo định hướng phát triển kinh tế và chuyển dịch cơ cấu lao động; chú trọng phát triển nhân lực có kỹ năng nghề; tăng cường chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến, quan tâm đào tạo lại và đào tạo thường xuyên lực lượng lao động để tạo chuyển biến mạnh mẽ về quy mô, chất lượng nguồn nhân lực; thực hiện cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp đối với một số nghề trọng điểm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Thứ ba: Hoàn thiện và phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, phát huy hiệu quả hoạt động của Sàn giao dịch việc làm, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc kết nối cung - cầu, nâng cao năng lực dự báo, gắn đào tạo với sử dụng lao động; gắn công tác đào tạo nghề với giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động.

Thứ tư: Quan tâm, chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho người có công với cách mạng và gia đình chính sách, các đối tượng yếu thế nhằm bảo đảm an sinh xã hội.

Thứ năm: tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả các chính sách trên từng lĩnh vực phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh theo hướng tinh gọn, tích hợp nhiều chính sách, đặc biệt các chính sách, giải pháp nhằm thực hiện tốt mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo cải thiện và không ngừng nâng cao đời sống của người dân đáp ứng nhu cầu về cuộc sống an toàn, bình đẳng và “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

 

Vũ Thị Phượng

Văn bản điện tử
Một cửa điện tử
Link vào W88: https://139.99.113.80/ Nhà cái KUBET: https://51.79.131.31/