Sở Lao động TB&XH tỉnh Ninh Bình
Thứ năm, 21/11/2024
Chào mừng bạn đến với Website Cổng thông tin điện tử Sở lao động thương binh xã hội ninh bình. Website hiển thị tốt nhất trên trình duyệt Filefox và Chrome

Triển khai có hiệu quả tín dụng ưu đãi hộ nghèo, hộ cận nghèo – công cụ chính sách hiệu quả để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững

Thứ sáu, 16/09/2022
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Giảm nghèo là một trong những chủ trương lớn luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo và bảo đảm các nguồn lực thực hiện gắn liền với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 theo chương trình Nghị sự của Liên hiệp Quốc đề ra.

Những năm qua, cùng với việc thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Ninh Bình luôn xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ then chốt, góp phần quan trọng đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân.

Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về công tác giảm nghèo và thường trực Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của tỉnh, trong thời gian qua, Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ động tham mưu giúp Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp giảm nghèo theo từng giai đoạn cụ thể, trong đó có các chương trình tín dụng chính sách xã hội, như: các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, du học nghề; chính sách giảm nghèo cho hộ nghèo có thành viên là người có công; các chương trình, dự án hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo… việc thực hiện các chính sách trên mở ra nhiều cơ hội thuận lợi cho người nghèo được tiếp cận với các chính sách trợ giúp, vay vốn ưu đãi, vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

Để thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo, hằng năm, Ngành tập trung, hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương tiến hành điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ phát sinh khó khăn đột xuất trong năm đảm bảo đúng quy định, kết quả rà soát là cơ sở quan trọng giúp Ngân hàng chính sách xã hội cho vay đúng đối tượng, đúng mục đích.

 

Ảnh: Đồng chí Lâm Xuân Phương, Giám đốc Sở phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến hướng dẫn công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và xác định thu nhập của hộ có mức sống trung bình năm 2021 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

Bên cạnh đó, với vai trò là thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh, Ngành đã tích cực tham gia các đoàn kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả hoạt động của Ban đại diện các huyện, thành phố, qua đó có những đề xuất, kiến nghị để hoàn thiện hơn nội dung hoạt động của Ngân hàng chính sách xã hội, cũng như nâng cao hiệu quả việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Nhìn lại 20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách theo Nghị định số 78 của Chính phủ, chúng ta vui mừng, phấn khởi với những kết quả đã đạt được, đây được coi là “điểm sáng” và là một trong những “trụ cột” quan trọng trong hệ thống các chính sách giảm nghèo tại địa phương. Điển hình như:

- Thông qua việc tham gia quản trị ngân hàng chính sách xã hội, lãnh đạo các cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội đã gắn công tác chuyên môn của ngành với công tác tín dụng chính sách, thực hiện giám sát trực tiếp, toàn diện hoạt động tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần quan trọng quyết định hiệu quả của chính sách tín dụng ưu đãi.

- Tín dụng chính sách góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi “tín dụng đen”, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn. Cụ thể:

+ Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua các năm, từ 12,23%(năm 2001) giảm xuống còn 2,91% (năm 2015) theo tiêu chí nghèo đơn chiều và từ 5,77% (năm 2016) xuống còn 1,44% (năm 2021) theo tiêu chí nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020.

+ Quy mô tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tăng gấp 21 lần so với khi mới thành lập, từ 152 tỷ đồng (đầu năm 2003) lên 3.177 tỷ đồng (31/8/2022), với gần 80 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ; tín dụng chính sách đã đến 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi cũng đã được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách đầy đủ, kịp thời.

+ Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã giúp trên 82 nghìn lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo; tạo việc làm cho trên 130 nghìn lao động; giúp trên 150 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 300 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn và gần 1.700 ngôi nhà cho hộ nghèo, các đối tượng chính sách, trên 300 căn nhà ở xã hội; giúp gần 2.500 lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài.

 

Ảnh: Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh thực hiện chương trình cho vay tín dụng ưu đãi học sinh sinh viên, hộ nghèo

Đặc biệt, thời gian qua, dịch Covid -19 diễn biến phức tạp, đã tác động tiêu cực đến đời sống của người dân, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Vốn tín dụng chính sách đã kịp thời giúp người sử dụng lao động vay vốn để trả lương cho gần 600 người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch; giúp hàng nghìn lao động từ vùng dịch trở về địa phương có vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm với số tiền trên 100 tỷ đồng.

- Việc triển khai chính sách đã đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vốn của hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, từng bước giảm dần và bãi bỏ những sách hỗ trợ trực tiếp, cho không, tăng cường chính sách hỗ trợ có hoàn trả, có điều kiện gắn với từng đối tượng, qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm, chủ động vươn lên của người nghèo, loại bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu về công tác giảm nghèo đã được đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, thời gian tới Ninh Bình cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp đã được nêu trong dự thảo báo cáo; đồng thời triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp về chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, cụ thể như:

Thứ nhất,tiếp tụcđổi mới chính sách giảm nghèo theo hướng tập trung, hiệu quả gắn với mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu và tăng dần khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân trong đó có các chính sách về tín dụng ưu đãi.

Thứ hai, tăng cường công tác tuyên truyền về tín dụng chính sách xã hội dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng như qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua các trang mạng xã hội, truyền thông trực tiếp tại cộng đồng… để người dân dễ dàng tiếp cận với các thông tin về chính sách tín dụng, kịp thời nắm bắt nhu cầu vay vốn của các đối tượng chính sách trên địa bàn.

Thứ ba, đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục triển khai và nâng cao hiệu quả các chương trình tín dụng, gắn với xã hội hóa hoạt động tín dụng chính sách xã hội, đảm bảo phục vụ tốt nhất cho các đối tượng thụ hưởng chính sách; thường xuyên quan tâm củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội; thực hiện tốt công tác xử lý nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan, tạo điều kiện để người vay tiếp tục đầu tư khôi phục sản xuất, tránh nguy cơ tái nghèo.

Thứ tư, từng bước mở rộng và đa dạng hóa dịch vụ tài chính, phù hợp với đối tượng vay vốn; hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát triển các dịch vụ tiền gửi, dịch vụ chuyển tiền, thanh toán qua thẻ, mở tài khoản để phục vụ người dân tại các địa bàn hoạt động nhằm thức hiện có hiệu quả Chương trình chuyển đổi số Quốc gia.

Thứ năm, tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động tín dụng chính sách tại cơ sở, hoạt động ủy thác của các tổ chức chính trị - xã hội, hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn, tình hình sử dụng vốn của người vay.

 

Vũ Thị Phượng

Văn bản điện tử
Một cửa điện tử
Link vào W88: https://139.99.113.80/ Nhà cái KUBET: https://51.79.131.31/