UBND tỉnh Ninh Bình vừa ban hành Kế hoạch số 33/KH-UBND phát triển chính quyền số, chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin mạng tỉnh Ninh Bình năm 2022.
Theo đó, năm 2022 Ninh Bình phấn đấu đạt mục tiêu 50% các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, hạ tầng mạng sẵn sàng cho chuyển đổi địa chỉ IPv4 sang địa chỉ IPv6; hoàn thành Cổng dữ liệu mở của tỉnh, triển khai kho dữ liệu dùng chung, phấn đấu tối thiểu 50% các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh thực hiện kết nối, chia sẻ các dữ liệu dùng chung phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và công khai, minh bạch thông tin của các cơ quan chính quyền cho người dân, doanh nghiệp; tối thiểu 50% dữ liệu quản lý của các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố được số hóa, chuẩn hóa, đáp ứng yêu cầu sẵn sàng tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu và lưu trữ tập trung tại Trung tâm Dữ liệu của tỉnh; tối thiểu 10 sở, ban, ngành của tỉnh, 04 huyện, thành phố tham gia mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; 80% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 60% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 40% hồ sơ công việc tại cấp xã được quản lý, xử lý và luân chuyển hoàn toàn trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); 90% văn bản (trừ văn bản mật) của các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, 80% cấp huyện, 60% cấp xã được thực hiện dưới dạng điện tử, được ký số theo quy định.
Bên cạnh đó, có ít nhất 30% hồ sơ TTHC được tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả giải quyết hoàn toàn trực tuyến; 60% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp được tích hợp, kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh và liên thông với Hệ thống thông tin báo cáo của Chính phủ; 100% cán bộ, công chức trong các cơ quan, đơn vị, địa phương được cấp và sử dụng hệ thống Thư điện tử công vụ (mail.ninhbinh.gov.vn) trong hoạt động công vụ, nghiệp vụ và đăng nhập Hệ thống xác thực tập trung (SSO) của tỉnh; phấn đấu ít nhất 20% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý; tối thiểu có 70 xã, phường, thị trấn (bao gồm cả 14 xã triển khai thực hiện mô hình thí điểm chuyển đổi số cấp xã) thực hiện chuyển đổi số cấp xã; 03 huyện, thành phố (bao gồm cả thành phố Tam Điệp) thí điểm chuyển đổi số cấp huyện; 5 cơ quan, đơn vị thí điểm chuyển đổi số cấp sở, ngành; tối thiểu 20% cán bộ, công chức, viên chức được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng, phổ cập kỹ năng số cơ bản, kỹ năng phân tích, khai thác dữ liệu và công nghệ số; 100% trường Tiểu học, THCS, THPT và các cơ sở giáo dục được tuyên truyền, giáo dục kiến thức, kỹ năng cần thiết để tham gia môi trường mạng an toàn.
Tỉnh cũng phấn đấu xây dựng, phát triển chính quyền số tỉnh Ninh Bình có mô hình hoạt động phù hợp, được vận hành an toàn, dựa trên dữ liệu và công nghệ số, để có khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, đưa ra quyết định kịp thời hơn, ban hành chính sách tốt hơn, sử dụng nguồn lực tối ưu hơn, kiến tạo phát triển, dẫn dắt chuyển đổi số của tỉnh, giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn trong phát triển và quản lý kinh tế - xã hội; tiếp tục đầu tư, nâng cấp, tái cấu trúc hạ tầng CNTT, chuyển đổi hạ tầng CNTT thành hạ tầng số, phát triển nền tảng số để phục vụ kết nối, quản lý các nguồn lực, dữ liệu của cơ quan nhà nước một cách an toàn, linh hoạt, ổn định, hiệu quả; tiếp tục triển khai và hoàn thành thí điểm chuyển đổi số cấp cơ sở; giữ vững và tiếp tục duy trì Chỉ số chuyển đổi số (DTI) của tỉnh có thứ hạng cao so các tỉnh/thành dẫn đầu trên toàn quốc.
Theo Kế hoạch của UBND tỉnh, để đảm bảo đạt được mục tiêu trên, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung thực hiện nhiệm vụ giải pháp chủ yếu như: Công tác chỉ đạo điều hành; phát triển nền tảng Chính quyền điện tử; phát triển hạ tầng số, nền tảng số; phát triển dữ liệu số; phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số; phát triển kinh tế số, xã hội số; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin; phát triển nguồn nhân lực, nâng cao nhận thức về chuyển đối số.
UBND tỉnh yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch này; theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp tình hình, kết quả triển khai các nhiệm vụ, chương trình, dự án của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Định kỳ 6 tháng (trước ngày 25/6) và hàng năm (trước ngày 15/12) báo cáo Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh và UBND tỉnh về tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch; chủ trì, phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND, Văn phòng UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước, khai thác, vận hành, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin đối với các hệ thống thông tin quan trọng, nền tảng của tỉnh; chủ trì tham mưu và tổ chức cung cấp thông tin phục vụ công tác tuyên truyền, định hướng và công khai kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch; đầu mối phối hợp với Bộ ngành Trung ương trong triển khai các nền tảng số toàn quốc; kết nối, tích hợp các cơ sở dữ liệu quốc gia để thu nhận, chia sẻ các cơ quan sử dụng, cung cấp công khai và mở cho người dân, doanh nghiệp.
Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì rà soát, cập nhật, sửa đổi, bổ sung, xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành các kiến trúc, quy chế, quy định, quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về xây dựng, phát triển, quản lý, vận hành, khai thác các hệ thống thông tin, các nền tảng phục vụ phát triển chính quyền số, chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin mạng trên địa bàn tỉnh; chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các đơn vị liên quan tổng hợp, xây dựng dự toán kinh phí thực hiện các chương trình, dự án, hạng mục CNTT, phát triển Chính quyền số, chuyển đổi số, an toàn thông tin mạng gửi sở Tài chính thẩm định trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.
Thông tin chi tiết xem tại Kế hoạch số 33/KH-UBND tại đây.
Nguồn: https://ninhbinh.gov.vn/