Ngày 27/9/2023, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN) tỉnh Ninh Bình tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ.
Về tham dự Hội nghị có đồng chí Lâm Xuân Phương, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Phó trưởng Ban Thường trực Ban VSTBPN tỉnh; đồng chí Đinh Công Toản, Giám đốc Sở Nội vụ, Phó trưởng Ban VSTBPN tỉnh, các đồng chí thành viên Ban VSTBPN tỉnh, Ban VSTBPN các huyện, thành phố và cán bộ làm công tác BĐG, VSTBPN các sở, ngành, địa phương và cán bộ nữ lãnh đạo các phòng, đơn vị thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội - Cơ quan Thường trực Ban VSTBPN tỉnh.
Ảnh: Đồng chí Lâm Xuân Phương, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội – Phó trưởng Ban Thường trực Ban VSTBPN tỉnh phát biểu khai mạc Hội nghị
Trong những năm qua, công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả nhất định. Đặc biệt việc triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2025 đã góp phần tạo ra những chuyển biến tích cực trong nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về bình đẳng giới và công tác phụ nữ, từng bước hạn chế tình trạng vi phạm quyền bình đẳng giới, định kiến giới trên địa bàn toàn tỉnh. Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện để phụ nữ phát triển trên tất cả các lĩnh vực. Vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được nâng lên, đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ từng bước được cải thiện, góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của tỉnh trong thời gian qua.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã đạt được, công tác Bình đẳng giới, VSTBPN của tỉnh trong thời gian qua vẫn còn tồn tại nhiều thách thức, bất cập khi nữ giới đang gặp phải những rào cản nhất định trên con đường phát triển sự nghiệp, dẫn đến tỉ lệ tham gia vào lĩnh vực ra quyết định còn chưa tương xứng với tiềm năng của lực lượng cán bộ nữ; khoảng cách giới cùng với các vấn đề giới mới như: khuôn mẫu/định kiến về chọn các ngành học phù hợp với giới và phân luồng vào một số ngành nghề; sự tham gia của phụ nữ, trẻ em gái trong giáo dục, khoa học, công nghệ và thị trường lao động liên quan tới đổi mới, công nghệ và kỹ thuật số; vấn đề bảo vệ sự an toàn của phụ nữ và trẻ em trước các hình thức bạo lực trên môi trường mạng, kỳ vọng của xã hội về phụ nữ và những công việc không được trả công trong gia đình, hay các mối quan tâm mới nổi bao gồm: khả năng phục hồi của phụ nữ trong bối cảnh hậu đại dịch Covid-19 khi xem xét cụ thể về sự tham gia lực lượng lao động và kinh doanh; khả năng tiếp cận của phụ nữ với các kỹ năng, trình độ và việc làm trong nền kinh tế ngày càng số hóa mạnh mẽ, đòi hỏi lao động phải có hiểu biết về công nghệ mới….
Ảnh: Ông Nguyễn Văn Thanh, Giảng viên chính, Học viện Phụ nữ Việt Nam trao đổi các nội dung tại Hội nghị
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe Ông Nguyễn Văn Thanh, Giảng viên chính, Học viện Phụ nữ Việt Nam trao đổi các nội dung chính về Bình đẳng giới trong chuyển đổi số; Giới và các mối quan hệ trong gia đình trong thời kỳ 4.0.
Trong đó, nhấn mạnh tầm quan trọng và sự tác động sâu rộng, bao trùm của chuyển đổi số lên tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế-xã hội; chuyển đổi số hướng tới sự thay đổi về bình đẳng giới trong nghề nghiệp, nhất là việc tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Thúc đẩy giáo dục có chất lượng, trang bị cho phụ nữ và trẻ em gái các kỹ năng về khoa học, công nghệ, kỹ thuật, hỗ trợ họ chuyển đổi sang các hình thức việc làm liên quan đến kỹ thuật số. Từ đó, giúp họ có nhiều kỹ năng xã hội, khả năng tư duy tích cực, sáng tạo trong lao động, sản xuất…
Tại Hội nghị các đại biểu cùng chia sẻ, thảo luận về thông tin, kinh nghiệm trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc trong thời đại 4.0
Vũ Phượng