Sở Lao động TB&XH tỉnh Ninh Bình
Chủ nhật, 08/09/2024
Chào mừng bạn đến với Website Cổng thông tin điện tử Sở lao động thương binh xã hội ninh bình. Website hiển thị tốt nhất trên trình duyệt Filefox và Chrome

Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận trong tham mưu thực hiện chính sách an sinh xã hội Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

Thứ sáu, 22/12/2023
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "... Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công". Công tác dân vận vừa là tiền đề, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, do đó tăng cường, đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác dân vận trong tình hình mới là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược.

Với vai trò là cơ quan tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên các lĩnh vực xã hội như: Lao động, việc làm, dạy nghề, tiền lương, tiền công, bảo hiểm xã hội, an toàn lao động, quản lý lao động nước ngoài, người có công, bảo trợ xã hội, giảm nghèo, bảo vệ chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới, phòng chống tệ nạn xã hội …. Hầu hết các chế độ, chính sách của Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội đều liên quan trực tiếp đến người dân, người lao động và các đối tượng yếu thế khác trong xã hội (trên 21.000 người có công; trên 49.000 đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng ngoài cộng đồng, hơn 20 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo, trên 170.000 lao động làm việc trong khoảng trên 3.000 doanh nghiệp,...).Do vậy việc thực hiện công tác dân vận đảm bảo an sinh xã hội là nhiệm vụ hết sức quan trọng và cần thiết.

Trong những năm qua, Ngành chú trọng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, của Tỉnh dưới nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với từng nhóm đối tượng theo hướng trọng tâm, hiệu quả, hướng về cơ sở; tăng cường nắm bắt tư tưởng, dư luận xã hội để kịp thời tham mưu, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, lấy sự hài lòng của người dân, người lao động, doanh nghiệp là thước đo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ngành; nhiều phong trào thi đua yêu nước được đẩy mạnh gắn với việc học tập, làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; các đề án, mô hình, điển hình dân vận khéo được xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện đã lan tỏa rộng khắp các lĩnh vực của Ngành, nổi bật là: Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác dân vận giai đoạn 2021-2025”; các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”.

 

Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

 Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay Ngành chủ động tham mưu UBND tỉnh trình Tỉnh ủy, HĐND tỉnh ban hành và tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả nhiều cơ chế, chính sách. Đến nay, hệ thống an sinh xã hội của tỉnh ngày càng hoàn thiện, diện bao phủ được mở rộng; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện; an sinh xã hội trở thành chỗ dựa vững chắc cho người nghèo và đối tượng yếu thế trong xã hội. Cụ thể như:

Công tác “Đền ơn đáp nghĩa” và chăm sóc đời sống người có công luôn được tỉnh quan tâm, cùng với chính sách chung của Trung ương, Ngành LĐTBXH đã tham mưu ban hành chính sách hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng (với mức hỗ trợ cao hơn mức chuẩn nghèo, từ 1,6 triệu đồng đến 2,1triệu đồng/người/tháng), đến nay 100% người có công thoát nghèo, có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú, 100% Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các cơ quan, đơn vị phụng dưỡng, chăm sóc đến cuối đời.

  

Hoạt động chăm sóc, phục hồi chức năng cho Người có công tại Trung tâm Điều dưỡng Người có công

 Các Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo được tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn của các chương trình để đầu tư, hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững: Từ năm 2020 đến nay, đã hỗ trợ trên 22 ngàn lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn phát triển sản xuất; cấp thẻ BHYT cho trên 900 ngàn người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo,các đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi, trẻ em dưới 6 tuổi, học sinh, sinh viên và hộ nông, lâm, ngư có mức sống trung bình,… Đặc biệt, vừa qua Ngành đã tham mưu cho tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo (với mức 100 triệu đồng đối với hộ xây mới, 50 triệu đồng đối với hộ sửa chữa), phấn đấu đến hết năm 2025 tỉnh Ninh Bình hỗ trợ 100% hộ nghèo có khó khăn về nhà ở được sinh sống trong căn nhà ổn định, an toàn. Các chính sách được triển khai khá toàn diện góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh từ 3,07% (năm 2021) giảm xuống còn 2,36% (năm 2022), ước đến năm 2025 còn 0,99% theo tiêu chí nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025.

  

Hội nghị đối thoại chính sách với hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023

  Xác định bảo trợ xã hội là một phần quan trọng trong công tác an sinh, bên cạnh các chính sách của Trung ương, Ngành đã tham mưu cho tỉnh ban hành các chính sách bao phủ hầu hết các nhóm đối tượng ở mọi lứa tuổi trở thành chỗ dựa vững chắc cho đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội với trên 49 nghìn đối tượng hưởng trợ cấp xã hội tại cộng đồng và gần 500 đối tượng đang nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội; trẻ em được bảo vệ và chăm sóc, xây dựng môi trường sống an toàn để thực hiện đầy đủ quyền trẻ em; chăm sóc và phát huy tốt hơn vai trò người cao tuổi; người khuyết tật được trợ giúp phục hồi chức năng, đào tạo nghề, tạo việc làm, đời sống được ổn định.

Tích cực triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho người lao động; chú trọng đào tạo các ngành, nghề phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh như: Du lịch, dịch vụ, sản xuất, lắp ráp ô tô, công nghiệp điện tử; đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động, không để đứt gãy chuỗi cung ứng nguồn nhân lực tham gia thị trường lao động do ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19; tổ chức tư vấn, tuyên truyền chính sách hỗ trợ về việc làm, xuất khẩu lao động. Từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức tuyển sinh đào tạo nghề cho trên 55 nghìn lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 65% năm 2020 lên 68% năm 2022, ước đến năm 2025 đạt 72% trong đó tỷ lệ lao động có  bằng cấp chứng chỉ ước đạt 32%, góp phần nâng chỉ số thành phần đào tạo lao động trong chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đứng thứ 11 trong cả nước; giải quyết việc làm cho trên 66 nghìn lao động, trong đó đưa gần 4.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

  

Phiên giao dịch việc làm lưu động được tổ chức tại Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình

           Đặc biệt, từ năm 2020 đến những tháng đầu năm 2022, đại dịch Covid – 19 đã tác động nặng nề đến nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trước tình hình đó, Sở đã bám sát sự chỉ đạo, điều hành của  Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tập trungchỉ đạo triển khai quyết liệt các chính sách hỗ trợ của trung ương, đồng thời báo cáo, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ của tỉnh, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng, không để tiêu cực, trục lợi chính sách, góp phần thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch, vừa triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của nhân dân, trong đó: Tổ chức đón 1.200 người lao động, công dân Ninh Bình đang cư trú, làm việc tại một số tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề của dịch trở về quê đảm bảo an toàn, chu đáo; hỗ trợ trên 260 nghìn đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người lao động với tổng kinh phí trên 300 tỷ đồng; hỗ trợ giảm đóng quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho trên 5 nghìn đơn vị, trên 362 nghìn lao động, tổng số tiền giảm đóng trên 96 nghìn tỷ đồng.

Một trụ cột an sinh xã hội quan trọng luôn được tỉnh quan tâm đó là bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp, với vai trò là quản cơ quản lý Nhà nước, trong những năm qua Sở đã chủ động phối hợp với Bảo hiểm xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội, việc làm và nâng cao chất lượng các dịch vụ.

Với những quyết tâm, nỗ lực cao nhất của tập thể lãnh đạo và từng cán bộ, công chức ngành LĐTBXH, trong giai đoạn 2020-2023, Ngành đã chủ động tham mưu cho tỉnh ban hành nhiều chính sách. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh còn có những hạn chế như: Việc triển khai các chính sách hỗ trợ giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 còn gặp nhiều khó khăn do tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trên địa bàn tỉnh tập trung chủ yếu ở nhóm không có khả năng lao động, ốm đau, bệnh trọng; một bộ phận người dân còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước, không muốn thoát nghèo; công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 còn gặp nhiều khó khăn; đặc biệt hiện nay do ảnh hưởng của kinh tế thế giới, một số doanh nghiệp phải dừng dây chuyền do hết nguyên liệu sản xuất đầu vào cũng như sản phẩm sau khi hoàn thiện không xuất khẩu được (nhất là trong lĩnh vực may mặc, giầy da và linh kiện điện tử...) nên phải thực hiện điều chỉnh giảm giờ làm, cắt giảm một số lao động.

 Trong thời gian tới, Ngành LĐTBXH tiếp tục bám sát sự chỉ đạo điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương, phát huy tính năng động, sáng tạo, chủ động tham mưu cho tỉnh và tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, trong đó tập trung triển khai 05 nội dung quan trọng sau:

Thứ nhất: Tiếp tục tổ chức học tập, nghiên cứu, quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng và Nhà nước về công tác dân vận, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở và phong trào “Dân vận khéo” tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, người lao động. Đặc biệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, Nghị quyết phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2020-2025 gắn với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và chủ đề công tác hằng năm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Thứ hai: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân hiểu rõ về chính sách an sinh xã hội, nhận thức về việc làm, học nghề một cách cụ thể, thiết thực phù hợp với nhu cầu của xã hội, tránh tốn kém, không hiệu quả.

Thứ ba: Trong bối cảnh xu hướng tự động hóa, điện tử hóa, số hóa, chuyển đổi số và tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra hiện nay tạo nên xu hướng dịch chuyển lao động ở lĩnh vực này do đó yêu cầu phải thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đẩy mạnh công tác đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho người lao động nhằm đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực cho thị trường lao động.

Thứ tư: Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho tỉnh hoàn thiện, nâng cao hiệu quả các chính sách trên từng lĩnh vực phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng tinh gọn, hiệu quả (Hiện nay Ngành đang tích cực tham mưu cho tỉnh ban hành 05 chính sách: Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; chính sách hỗ trợ vốn vay khởi nghiệp và phát triển sản xuất kinh doanh cho thanh niên trên địa bàn tỉnh; chính sách hỗ trợ đối tượng bảo trợ suốt đời; chính sách hỗ trợ điều dưỡng tập trung cho người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ; chính sách về các mức thu, chi, hỗ trợ công tác cai nghiện ma túy), các chính sách này sẽ là tiền đề vững chắc để đảm bảo ổn định xã hội, nâng cao đời sống nhân dân và phát triển bền vững của tỉnh.

Thứ năm: Tăng cường kiểm tra, giám sát, công khai, minh bạch, việc triển khai thực hiện chính sách an sinh xã hội, đảm bảo các chính sách đến được với các đối tượng đúng mục tiêu, đối tượng, kịp thời với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong tình hình mới.

Để tạo đà cho sự phát triển toàn diện và bền vững của tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã được đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, việc thực hiện công tác an sinh xã hội là một trong những yếu tố hết sức quan trọng, là tiền đề cơ bản để nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện công bằng tạo sự đồng thuận xã hội, qua đó củng cố, giữ vững niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

 

Phương Thảo

Văn bản điện tử
Một cửa điện tử
Link vào W88: https://139.99.113.80/ Nhà cái KUBET: https://51.79.131.31/