Chiều 9/11, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các đại biểu tại Trụ sở chính, chi nhánh các tỉnh, thành phố về chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 126/NQ-CP và Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng và Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh đồng chủ trì Hội nghị.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình
Dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình có các đồng chí lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Sở LĐTB&XH tỉnh, Liên đoàn lao động tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội và chi nhánh NHCSXH tỉnh Ninh Bình.
Ngay sau khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, trong đó có chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương khôi phục sản xuất, NHCSXH đã tập trung triển khai cho vay kịp thời đến 63 tỉnh, thành phố. Đến ngày 08/11/2021, NHCSXH đã thực hiện giải ngân cho vay 1.449 lượt người sử dụng lao động với số tiền 750 tỷ đồng để trả lương cho 209.280 lượt người lao động.
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh cho biết: Trong quá trình triển khai, thực hiện chương trình đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc. Với tinh thần hỗ trợ người sử dụng lao động được tiếp cận vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất một cách thuận lợi nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 8/10/2021 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 68/NQ-CP và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg ngày 6/11/2021 sửa đổi, bổ sung Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. Theo đó, sửa đổi, bổ sung đối tượng vay vốn và điều kiện vay vốn.
Người sử dụng lao động được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0% và không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương ngừng việc, trả lượng phục hồi sản xuất, kinh doanh cho người lao động.
Người sử dụng lao động được vay vốn trả lương ngừng việc khi có người lao động làm việc theo hợp đồng lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đến tháng liền kề trước thời điểm người lao động ngừng việc, phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên theo quy định khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 3 năm 2022.
Người sử dụng lao động vay vốn trả lương cho người lao động khi phục hồi sản xuất, kinh doanh:
Đối với người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động toàn bộ hoặc một phần theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 hoặc có trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg hoặc áp dụng các biện pháp không hoạt động/ngừng hoạt động/hoạt động hạn chế/hoạt động có điều kiện/hoạt động hạn chế, có điều kiện theo quy định tại Nghị quyết số 128/NQ-CP trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 3 năm 2022 khi có người lao động làm việc theo hợp đồng lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại thời điểm đề nghị vay vốn, có phương án hoặc kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh đối với trường hợp phải tạm dừng hoạt động toàn bộ hoặc một phần theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19.
Đối với người sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng: Có người lao động làm việc theo hợp đồng lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đến thời điểm đề nghị vay vốn, có phương án hoặc kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động đang làm việc theo hợp đồng lao động. Thời gian hưởng chính sách hỗ trợ tối đa 03 tháng và thời hạn vay vốn dưới 12 tháng.
Tại hội nghị, các đại biểu đại diện các bộ, ngành Trung ương, địa phương đã thảo luận nêu rõ những điểm mới của Nghị quyết, đưa ra những giải pháp cụ thể để triển khai có hiệu quả chính sách hỗ trợ.
Các đại biểu đề nghị Ngân hàng chính sách xã hội các tỉnh, thành phố tập trung triển khai ngay các nội dung của chính sách, công khai tại các điểm giao dịch, mỗi cán bộ ngân hàng phải là một tuyên truyền viên, để người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 sớm được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách.
Đồng thời đề nghị Ủy ban nhân dân, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng chính sách xã hội các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo, đẩy mạnh công tác thông tin tuyền truyền; Mặt trận Tổ quốc, Liên đoàn Lao động và các tổ chức chính trị - xã hội phát huy vai trò giám sát việc thực hiện chính sách minh bạch, hiệu quả.
VBSP Ninh Bình