Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự và chủ trì hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình. Cùng dự có lãnh đạo các sở, ngành liên quan; đại diện các huyện, thành phố.
Năm 2022, mặc dù phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức do những ảnh hưởng của dịch COVID-19, song với sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự điều hành của Chính phủ, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội được hoàn thành. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ và đã phát huy tối đa hiệu quả, nhất là các chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Năm 2022, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã hoàn thành các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Công tác phát triển giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được giữ vững. Các cơ sở đào tạo nghề thích ứng linh hoạt, chuyển sang hình thức đào tạo trực tuyến, qua đó góp phần nâng cao tỷ lệ qua đào tạo. Ngoài ra, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi đã ban hành, đặc biệt là chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trợ giúp xã hội, giảm nghèo, chăm sóc và trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, cứu trợ đột xuất...
Công tác giải quyết việc làm gắn với nâng cao thu nhập cho người lao động luôn được quan tâm. Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm năm 2022 là 50,6 triệu người, tăng 1,5 triệu người so với năm 2021; đưa trên 142.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Ước tính cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn nghèo đa chiều giảm khoảng 1,2% so với đầu kỳ, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3% và tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, với đặc thù là ngành có nhiều đối tượng để phục vụ; phạm vi lĩnh vực rộng đòi hỏi yêu cầu cao, song ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã luôn thích ứng, tích cực đổi mới, kịp thời đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp. Nhờ đó, bảo đảm thực hiện tốt sự bao phủ của các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội hiện hành tới tất cả các đối tượng, người dân trong xã hội để duy trì sự ổn định trong đời sống kinh tế - xã hội.
Bước vào năm 2023, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành Lao động, Thương binh và Xã hội cần bám sát nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả quan điểm, mục tiêu, các nhiệm vụ, giải pháp về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội trong các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật về lao động, người có công và xã hội; phát triển thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hiệu quả; phát triển giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng nhân lực có kỹ năng nghề, nhất là nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin "tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới"…
Đặc biệt, Tết Nguyên đán Quý Mão đang tới rất gần, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ và các địa phương huy động mọi nguồn lực để chăm lo tết cho người có công, người nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội... Phấn đấu mọi người, mọi nhà đều được đón Tết cổ truyền đầm ấm, vui tươi, đầy đủ và an toàn.
Nguồn: baoninhbinh.org.vn